Tin tức

Tin tức

Chùa hang Ajanta (Ấn Độ) – Di sản độc đáo trong lòng núi đá

3/6/2018 2026

Phức hợp chùa hang Ajanta nằm trong một khe núi đá hiểm trở hình móng ngựa với rừng cây cối rậm rạp, cách làng Ajantha khoảng 3,5 km. Nó toạ lạc ở huyện Aurangabad, bang Maharashtra, miền Trung Ấn Độ (cách thành phố Aurangabad khoảng 106 km). Chạy dọc theo phía cuối của khe núi Ajanta là dòng sông Waghur và một con suối bắt nguồn từ đỉnh núi. Tại hẻm núi này, theo khảo sát của Hội khảo cổ học Ấn Độ thì có tất cả là 29 hang động, được đào từ phía Nam của những vách đá dốc đứng.

Chùa hang Ajanta (Ấn Độ) - Di sản độc đáo trong lòng núi đá
Chùa hang Ajanta (Ấn Độ) – Di sản độc đáo trong lòng núi đá

Lịch sử của nghệ thuật Phật giáo

Phức hợp chùa hang Ajanta gồm 29 chùa được khoét vào vách núi, tất cả làm thành một hình vòng cung lớn ôm lấy con suối chảy qua trước mặt. Các chùa hang này bắt đầu được xây dựng vào thế kỷ thứ II TCN, tiếp tục cho đến tận thế kỷ IX SCN. Cho nên, nói như Chritmas Humphey: “Ở đây, trong một ngày, ta có thể xem toàn bộ lịch sử của nghệ thuật Phật giáo”.

Phức hợp chùa hang Ajanta bao gồm các chùa thờ Phật (Viharas) và các lăng mộ của các vị thiền sư (Chaitya-grihas) được đào khoét ngay trong lòng núi ở hai giai đoạn. Giai đoạn đầu thường được gọi là giai đoạn Hinayana (liên quan đến Phật giáo Tiểu thừa, khi đạo Phật là tôn giáo được sùng bái) …. Ở Ajanta, hang động số 9, 10,11,12, 13 và 15A (hang động cuối cùng được khai quật vào năm 1956, và vẫn chưa được đánh số chính thức) được xây dựng trong suốt giai đoạn này. Những đợt xây dựng này cũng đã tạo nên những tuyệt tác là các tượng Phật trong các đền tháp hay ở các nơi thờ tự trong các hang đá.

Giai đoạn hai của công trình xây dựng Ajanta được tiếp tục tiến hành sau hơn 3 thế kỷ tạm lắng. Giai đoạn này thường được gọi một cách không chính thức là giai đoạn Mahayana. Trong những năm gần đây, sau nhiều tranh cãi các nhà nghiên cứu đã thống nhất thời gian bắt đầu xây dựng các chùa hang ở giai đoạn Mahayana hay Vakataka là vào thế kỷ thứ V.

Theo Walter M.Spink, người chủ trì của cuộc khai quật khảo cổ học tại Ajanta, thì tất cả các chùa hang trong giai đoạn Mahayana được tiến hành xây dựng từ năm 462 đến năm 480 SCN. Những chùa hang được xây dựng trong suốt giai đoạn Mahayana được đánh số từ hang số 1 đến hang số 8, và từ hang số 14 đến hang số 29.

Có hai lăng mộ của các vị thiền sư được xây dựng trong giai đoạn Hinayana nằm ở hang số 9 và số 10. Các hang số 12, 13, và 15A là các chùa thờ Phật. Trong giai đoạn này cũng còn có 3 lăng mộ của các vị thiền sư được xây dựng, chúng ở các hang số 19, 26 và 29. Hang động cuối cùng đã bị đình chỉ xây dựng khi nó vừa mới bắt đầu. Những hang động còn lại là những ngôi chùa thờ Phật, bao gồm: hang số 1 đến hang số 3, hang số 5 đến hang số 8, hang số 11, hang số 14 đến hang số 18, hang số 20 đến hang số 25 và hang số 27, 28.

Kiến trúc trên đá

Các chùa hang thờ Phật có kích thước khác nhau, chùa lớn nhất có diện tích khoảng 16m, chúng thường được đục khoét một cách vuông vức. Việc xây dựng các chùa hang này cũng có sự khác nhau rất lớn, có những chùa được xây dựng một cách đơn giản nhưng cũng có những chùa được xây dựng khá công phu và tinh xảo. Một vài chùa được tạo mái vòm nhưng cũng có chùa không có. Nhưng phần thiết yếu mà một ngôi chùa phải có đó là nơi thờ Phật. Trong giai đoạn Vakataka, những nơi thờ tự Phật ít được để tâm xây dựng bởi vì những nơi có mặt bằng rộng rãi thì thường được dùng làm nơi ăn ở và tụ tập tín đồ… Sau đó, các nơi thờ Phật mới được xây dựng nhiều hơn. Các nơi thờ Phật thường được xây dựng dựa lưng vào vách đá phía sau ở trung tâm của ngôi chùa và trên mỗi nơi thờ tự thường đặt một bức tượng Phật ngồi bằng đá.

Ajanta đặc biệt nổi danh với những bức bích hoạ trên vách đá và trần hang. Tổng cộng có đến 500 bức. Màu sắc tranh được làm từ các chất khoáng và các chất có nguồn gốc thực vật nên vừa hài hoà, vừa tương phản mà vẫn tươi nguyên qua mấy ngàn năm.

Toàn bộ các bức tranh đều tập trung thể hiện cuộc đời đức Phật và thể hiện các câu chuyện tiền thân của Ngài (trong đó có nhiều kiếp là các con vật , nhiều kiếp là những con người có xuất thân khiêm tốn). Vì thế , tuy đều gắn với đề tài Phật giáo nhưng các bức tranh không chỉ giới hạn trong cuộc sống tăng viện mà bao trùm hiện thực rộng lớn hơn: cả cuộc sống cung đình, cuộc sống của bao người bình dị nơi thị thành thôn xóm, thế giới chim thú, cỏ hoa và cả thế giới của các tiên nữ, các tạo vật thần linh trên thiên giới nữa. Một cuộc sống sôi nổi, hưng phấn và đầy đam mê.

Những thiếu nữ trong tranh Ajanta được thể hiện rất quyến rũ với những đường cong mềm mại, thần thái sinh động trong từng ánh mắt, từng nét môi say đắm và e lệ. Các nghệ nhân còn khéo lợi dụng sự phân bố ánh sáng để người xem khi chuyển dịch vị trí có thể thấy nhân vật trong tranh như chớp mắt, hé cười , hết sức sống động.

Có thể nói, nghệ thuật Phật giáo đã sử dụng vẻ đẹp của thế giới vật chất như một phương tiện để hướng đạo khát vọng các tín đồ với vẻ đẹp tâm linh của giác ngộ chân mạnh của nó nằm ở chính thông điệp của Đấng Giác Ngộ kêu gọi chi kiến của chúng ta chế ngự, vượt qua những cạm bẫy cám dỗ. Vượt qua những hình thức ảo ảnh, giả nguỵ của cái đẹp, ta sẽ thấy cái đẹp đích thực.

(Nguồn: Langvietonline

Tags:

Tin tức

Quý vị cần giải pháp dịch vụ ngôn ngữ hoàn hảo?

Đối tác nổi bật

Dịch thuật Hà Nội hiện tại đang là đối tác của các công ty tập đoàn lớn trong và ngoài nước.